Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Mách bạn cách đơn giản phòng tránh nguy cơ ngất xỉu do nắng nóng

Uống đủ nước


Mất nước là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới ngất. Vì vậy, bạn hãy đảm bảo cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể.

Tránh nắng


Bạn nên tránh ánh nắng trực tiếp và không ra ngoài khi trời nắng to. Sử dụng điều hòa hoặc quạt để ngăn ngừa đổ nhiều mồ hôi.

Không tập thể dục ngoài trời nắng


Bạn nên thay đổi lại lịch tập thể dục. Tránh tập luyện vào những thời điểm nắng gắt. Nên tập vào buổi sáng sớm hoặc tối và đảm bảo bù nước cho cơ thể sau khi tập luyện.

Ăn mặc phù hợp


Bạn nên lựa chọn các loại quần áo sáng màu, chất liệu cotton để thấm hút mồ hôi. Tránh mặc những loại quần áo quá chật.

Tăng cường thực phẩm giúp ổn định huyết áp


Huyết áp thấp có thể dẫn tới ngất xỉu, vì vậy việc duy trì huyết áp ổn định là rất quan trọng. Bạn hãy bổ sung những thực phẩm giúp ổn định huyết áp vào chế độ ăn. Một ly sữa ít béo chứa khoảng 100mg natri giúp duy trì huyết áp. Ngoài ra, bạn có thể tăng cường các loại hải sản như tôm, cá biển.

Tới gặp bác sĩ


Ngất thường không quá nguy hiểm. Song nếu bạn thường xuyên bị ngất thì hãy thận trọng và tới gặp bác sĩ để kiểm tra. Tuyệt đối không nên tự dùng thuốc.

BS P.Liên

(Theo Univadis/ Boldsky)

Chăm sóc bệnh nhân bị tiêu chảy

Mỗi khi mùa mưa lũ đến người dân quê tôi lại phải chống chọi với dịch bệnh, nhất là dịch tiêu chảy. Tôi đọc sách thấy nói, khi bị tiêu chảy việc cần thiết là phải bù nước, ăn ít đi, xin hỏi có đúng không? Xin quý báo tư vấn.

Hoàng An(Lào Cai)

Khi bị tiêu chảy, cơ thể mất nước và mất điện giải cho nên điều cần thiết nhất là phải tìm cách bù nước. Nước để bù tốt nhất là dung dịch oserol được pha đúng liều lượng hướng dẫn. Khi đang bị tiêu chảy, “ăn ít uống nhiều” là đúng nhưng không bù nước bằng việc uống nước ép trái cây và nước ngọt.

Khi tiêu chảy, nhiều người lại chỉ ăn cơm với muối trắng, cháo muối hay cháo đường. Điều này là sai lầm vì như thế sẽ khiến cơ thể nhanh chóng suy dinh dưỡng, giảm khả năng lành bệnh và chống đỡ sự tấn công của những loại vi khuẩn khác. Bệnh nhân tiêu chảy vẫn cần ăn đủ chất và năng lượng. Đạm, kẽm, vitamin... từ thịt, cá, trứng, đậu sẽ giúp niêm mạc ruột mau hồi phục. Trẻ đang bú mẹ cần tiếp tục bú vì sữa mẹ cung cấp nước, điện giải, chất dinh dưỡng cùng những yếu tố chống bệnh; vẫn tiếp tục ăn và uống sữa bình thường, không pha loãng nhưng nên chia nhỏ bữa ăn.

Thực phẩm cần tránh là những loại nhiều chất xơ (rau, củ, đậu, bắp cải, giá), trái cây có bột (lê, đào, mận...), thực phẩm chứa nhiều đường đơn (nước ngọt, nước trái cây, mật ong, kẹo, bánh ngọt...). Nên ăn sữa chua làm giảm thời gian và độ nặng của đợt tiêu chảy, do quá trình lên men đã chuyển phần lớn đường lactose (loại đường khó hấp thu) trong sữa bò sang một dạng dễ hấp thu hơn. Ngoài ra, một số chủng vi khuẩn trong sữa chua có khả năng ức chế sự phát triển và gây bệnh của các vi sinh vật có hại trong đường tiêu hóa, tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch.

BS. Văn Bàng

6 dưỡng chất cần thiết cho 3 giai đoạn cuộc đời người phụ nữ

Trong mỗi giai đoạn quan trọng của cuộc đời người phụ nữ như dậy thì, mang thai hay mãn kinh, nếu không bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, có chế độ ăn uống lành mạnh, vận động hợp lý đều làm cho sức khỏe người phụ nữ bị suy giảm. Ở mỗi giai đoạn, nhu cầu dinh dưỡng của người phụ nữ rất khác nhau nhau, nhiều người không biết rằng thời kỳ mãn kinh chính là thời điểm cơ thể phụ nữ đòi hỏi dinh dưỡng cao nhẩt. Dưới đây là 6 chất dinh dưỡng mà mọi phụ nữ đều cần phải có trong bữa ăn của mình, nhất là trong 3 giai đoạn quan trọng nhất của cuộc đời.

Sắt

Bạn có biết rằng trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, một lượng sắt lớn bị mất đi. Nên bổ sung sắt vào khẩu phần ăn của mỗi người vào ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt để ngăn ngừa chứng thiếu máu do thiếu sắt. Đối với phụ nữ chuẩn bị mang thai, hay trong khi mang thai, sắt cực kỳ quan trọng, nhiều khi bác sĩ còn chỉ định bổ sung sắt dạng thuốc cho những đối tượng này. Bởi vì sắt là thành phần chính, hỗ trợ hình thành hemoglobin trong máu, giúp tăng cường oxy để máu có thể cung cấp ôxy cho các cơ quan khác nhau trong cơ thể.

Theo các chuyên gia y tế, mức sắt được đề nghị cần có ở phụ nữ trưởng thành bình thường là 21 mg / ngày và trong thời kỳ mang thai cần bổ sung là 35 mg sắt / ngày. Để đảm bảo đủ sắt, có rất nhiều loại thực phẩm có thể đáp ứng được nhu cầu sắt của bạn như các loại rau lá xanh, hạt mè, đậu, đường thốt nốt, thịt, cá và trứng.

Vitamin C

Đây là một trong những loại vitamin tối cần thiết giúp tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật. Đối với phụ nữ, đây còn là một “thần dược” giúp kéo dài tuổi thanh xuân, làm làn da tươi trẻ bởi chúng hỗ trợ cho quá trình tổng hợp collagen làm hạn chế nếp nhăn, có lợi cho sự phát triển của xương và răng, cải thiện hoạt động của hệ miễn dịch và tăng cường hấp thu sắt trong cơ thể. Ngoài ra, vitamin C còn giúp chống lại quá trình oxy hóa, nó ngăn chặn một loạt các bệnh nhiễm trùng và bệnh tật.

Tuy nhiên với mỗi giai đoạn khác nhau của cuộc đời người phụ nữ, mức độ vitamin này cũng khác nhau. Các khuyến cáo y tế về chế độ ăn uống vitamin C mỗi ngày dành cho phụ nữ trưởng thành bình thường cần là 40 mg, phụ nữ mang thai cần 60 mg và những người cho con bú cần khoảng 80 mg vitamin C mỗi ngày. Để đáp ứng nhu cầu vitamin C hàng ngày, mỗi người cần tăng cường ăn các loại trái cây họ cam quýt (ổi, quýt, cam), bông cải xanh, chanh, ớt chuông và cải xoăn ....

Canxi

Tại sao phụ nữ có tỷ lệ loãng xương cao hơn nam giới, nhất là trong thời kỳ mãn kinh, phụ nữ dễ bị mắc bệnh loãng xương nhất, đó là do ở giai đoạn này tình trạng mất xương diễn ra nhanh hơn, đồng thời họ lại không bổ sung đầy đủ canxi trở lại cho cơ thể, dễ dẫn đến loãng xương. Canxi đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mật độ xương, do đó, phụ nữ trưởng thành và những người trong thời kỳ mãn kinh nên tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu canxi để phòng ngừa bệnh loãng xương.

Một người phụ nữ trưởng thành bình thường đòi hỏi phải có 600 mg canxi mỗi ngày, nhưng đối với những người trong thời kỳ mang thai, cho con bú và trước thời kỳ mãn kinh, nhu cầu canxi cần tăng lên tới 1.000-1.200 mg canxi mỗi ngày. Vì vậy, uống sữa không sẽ không đủ, phụ nữ ngoài sữa cần ăn các thực phẩm như pho mát, sữa chua, đậu tương, rau dền, rau bó xôi, hay hạt hạnh nhân .... Những người ăn chay cần chú ý đến chế độ ăn hơn bởi nguồn canxi khó bổ sung qua việc ăn uống.

Vitamin D

Vitamin D là loại vitamin tan trong chất béo, chúng rất cần thiết để cơ thể hấp thu canxi cho sự hình thành và phát triển hệ xương khớp. Khi thiếu hụt vitamin này dễ dẫn đến chứng bệnh như xốp xương hay loãng xương.

Để bổ sung lượng vitamin D cần thiết mỗi ngày cho cơ thể, rất đơn giản, điều bạn cần làm là tắm nắng mỗi ngày, nhất là ánh nắng mặt trời vào buổi sáng sớm, khoảng 15 phút. Ngoài ra, việc ăn các thực phẩm giàu vitamin D cũng rất cần thiết như sữa, sữa chua, lòng đỏ trứng (một lòng đỏ có 20 IU vitamin D), cá hồi có hàm lượng vitamin D rất cao hoặc bạn cũng có thể bổ sung vitamin D qua các thực phẩm chức năng. Một người bình thường cần bổ sung mỗi ngày 2000 IU vitaminD.

Axit folic

Thiếu hụt acid folic (vitamin B9) ở phụ nữ mang thai có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Bởi vì, axít folic giúp giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh liên quan đến não và tủy sống của thai nhi như bệnh nứt đốt sống. Ngoài ra, axit folic là rất quan trọng đối với việc phát triển và phân chia các tế bào của thai nhi, do đó, phụ nữ có thai cần uống axít folic trước, trong và sau thời kỳ sinh con. Đây là một chất dinh dưỡng có nhiệm vụ sản xuất, đảm bảo sự trưởng thành và phát triển của các tế bào máu đỏ, phòng chống thiếu máu. Dưỡng chất này cực kỳ cần thiết và quan trọng cho phụ nữ ở giai đoạn làm mẹ và sinh con.

Loại vitamin thiết yếu này có nhiều trong các loại thực phẩm như rau lá màu xanh đậm , các loại đậu và trái cây như chanh, chuối,... Liều khuyến cáo cho những người phụ nữ trưởng thành là 200 mcg axít folic mỗi ngày, đối với các bà mẹ mang thai và cho con bú cần bổ sung từ 300 mcg - 500 mcg mỗi ngày .

Protein

Chất đạm (protein) là dưỡng chất cần thiết đảm bảo tạo năng lượng cho con người hoạt động, xây dựng cơ bắp. Nếu thiếu protein, sẽ dẫn đến thiếu dinh dưỡng, dễ mắc bệnh phù thũng, thiếu máu, cơ bắp rỡ rời, loạn nhịp tim, đầu óc kém phát triển, sức đề kháng kém. Nhưng thừa protein lại dẫn đến béo phì do lượng protein không chuyển thành năng lượng sẽ chuyển hóa thành chất béo dưới da, gây béo phì. Cần có chế độ ăn uống và vận động hợp lý để vừa đảm bảo đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động vừa tránh thừa cân, béo phì.

Có rất nhiều thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, protein, tuy nhiên cũng có rất nhiều đạm từ thực vật đang được sử dụng hiện nay được đánh giá có lợi cho sức khỏe như đậu xanh, đậu nành , yến mạch , hạt lanh , sản phẩm từ sữa .... Cần đảm bảo nhu cầu protein mỗi ngày của người phụ nữ bình thường, trưởng thành là 55 gm, đối với người đang mang thai cần phải ăn 82 gm protein mỗi ngày.

Nguyễn Hoàng

(Theo Healthsite)

4 dấu hiệu chứng tỏ trẻ bị lồng ruột, cha mẹ cần lưu ý

Thạc sĩ, Điều dưỡng Chu Thị Hoa - Khoa Ngoại tổng hợp, BV Nhi Trung ương cho biết, lồng ruột là cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ em, khi một đoạn ruột chui vào lòng của một đoạn ruột kế cận.

Nếu trẻ được đưa đến viện sớm, bác sĩ chỉ cần tháo lồng bằng hơi. Nếu trẻ đến muộn hoặc thủ thuật tháo lồng bằng hơi thất bại, tùy tình hình mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật thích hợp.

Hiện nay, nguyên nhân gây ra chứng lồng ruột ở trẻ em vẫn chưa xác định rõ, tuy nhiên 1 số giải thích được đưa ra do sự mất cân đối giữa kích thước của hồi tràng so với van hồi manh tràng, viêm hạch mạc treo ruột hoặc sau viêm đường hô hấp cũng có thể liên quan đến lồng ruột.

Các biểu hiện cần lưu ý

Đau bụng: Trẻ có biểu hiện đau bụng cơn, biểu hiện bằng cơn khóc thét xuất hiện đột ngột, dữ dội, trẻ ưỡn người, xoắn vặn, cơn đau có thể làm trẻ ngừng chơi, bỏ bú.

Nôn: Nôn ra thức ăn ở giai đoạn đầu, ở giai đoạn muộn trẻ có thể nôn ra dịch xanh hoặc dịch vàng.

Đại tiện ra máu: Trẻ có thể đại tiện ra máu đỏ hoặc nâu, đại tiện ra máu có thể xuất hiện sớm ngay sau cơn đau hoặc xuất hiện muộn sau 24h. Xuất hiện 95 % ở trẻ còn bú.

Đại tiện máu cùng với nôn và thoát dịch vào lòng ruột là các yếu tố quan trọng góp phần làm giảm thể tích tuần hoàn.

Điều trị và chăm sóc bệnh nhân tháo lồng bằng hơi tại bệnh viện

Theo ThS. Hoa, siêu âm là phương pháp tin cậy để chẩn đoán lồng ruột. Với trẻ được chỉ định tháo lồng bằng hơi tại bệnh viện, trẻ có chẩn đoán xác định lồng ruột, dưới 2 tuổi và phải được phát hiện bệnh sớm trước 72h. Trẻ chưa có dấu hiệu thủng ruột.

Tùy tình trạng của bệnh nhân bác sĩ có chỉ định tiền mê hoặc không. Trẻ được nằm ngửa đầu nghiêng sang một bên, chân duỗi thẳng. Điều dưỡng sẽ đặt một ống thông vào hậu môn và nối ống thông với máy tháo lồng có van điều khiển áp lực. Điều dưỡng giữ hai chân bệnh nhân duỗi thẳng, khép kín.

Bác sĩ tiến hành bơm hơi vào đại tràng qua ống thông. Kỹ thuật viên điện quang sẽ chụp phim khi thấy hình ảnh khối lồng, bác sĩ tiếp tục bơm khí vào đại tràng, khối lồng dần di chuyển đến khi thấy hơi đột ngột trào sang ruột non ào ạt là lúc khối lồng được tháo.

Kỹ thuật viên điện quang chụp phim thứ hai sau khi tháo được khối lồng. Lúc này điều dưỡng sẽ tiến hành tháo ống thông ra khỏi máy cho hơi trong lòng ruột thoát ra gần hết rồi rút ống thông ra khỏi hậu môn.

Trẻ sau tháo lồng có hiệu quả thường hết đau, ngủ yên, ỉa máu vẫn có thể có nhưng sẽ giảm dần, phân chuyển màu vàng, tính chất phân có thể lỏng do khi lồng ruột nước bị hấp thu vào lòng ruột nhiều.

Trẻ được truyền dịch: giải mê (nếu có tiêm tiền mê), bồi phụ nước và điện giải theo chỉ định của bác sĩ.

Trẻ được theo dõi khoảng 12- 24h sau đó được xuất viện.

Đa số các trường hợp tháo lồng bằng hơi khá nhanh và hiệu quả sau khoảng 5-10 phút, nhưng một số trường hợp trẻ đến muộn, ỉa máu nhiều, khối lồng chặt khó tháo có thể không tháo được ngay, bác sỹ sẽ có chỉ định truyền dịch bồi phụ nước và điện giải, tiêm kháng sinh và tháo lồng lại sau khoảng 1h.

Chăm sóc trẻ sau tháo lồng bằng hơi tại nhà

ThS. Hoa cho biết, lồng ruột sau khi tháo vẫn có thể bị tái lại ngay sau 1 vài giờ hoặc sau đó nhiều ngày. Vì vậy cha mẹ cần phát hiện sớm các triệu chứng để đưa trẻ quay lại viện kịp thời. Những trẻ đã từng bị bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh lần hai.

"Không nên cho trẻ nhún nhảy quá nhiều sau tháo lồng, cho trẻ ăn ít một, uống thuốc theo đơn bác sĩ, theo dõi thêm các dấu hiệu lồng ruột tái phát: đau bụng đột ngột, xoắn vặn, khóc thét, nôn thức ăn… cần đưa trẻ đến viện khám ngay.

Trong trường hợp trẻ bị lồng ruột tái lại nhiều lần trẻ sẽ được chỉ định xét nghiệm kiểm tra xem có nguyên nhân thực thể: polyp, u hồi tràng, đại tràng. Nếu có nguyên nhân thực thể trẻ sẽ được phẫu thuật điều trị nguyên nhân.

Giữ ấm cơ thể cho trẻ, hạn chế viêm đường hô hấp vào mùa đông xuân, ăn uống vệ sinh tránh viêm hạch mạc treo dẫn đến lồng ruột"- ThS. Hoa tư vấn.

Lê Nguyên

Đề phòng sốc nhiệt do nắng nóng

Sốc nhiệt là hậu quả của quá trình tăng thân nhiệt sau một thời gian cơ thể phải hứng chịu nắng nóng kéo dài, cơ thể không kịp thích nghi gây mất nước, làm tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt. Khi bị sốc nhiệt, cơ thể giảm khả năng thanh thải nhiệt, gây ra tình trạng mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, nặng có thể dẫn đến tử vong.

Các biện pháp dưới đây có thể giúp bạn tránh khỏi tình trạng sốc nhiệt do nắng nóng.

Tránh những nơi có nhiệt độ quá cao

 

Nếu có thể, tránh đi đến những nơi có nhiệt độ quá cao. Vào những ngày nắng nóng, trên 40 độ không nên ra ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều. Nên xem dự báo thời tiết trước khi lên kế hoạch cho các hoạt động ngoài trời, đặc biệt là trong mùa hè. Nếu bạn phải đi ra ngoài trong những thời điểm nắng nóng, đừng quên mang theo một chiếc mũ hoặc là một chiếc ô. Nếu phải đi lại hay làm việc ngoài trời nắng không nên làm việc quá 2 giờ liên tục dưới nhiệt độ cao, cần nghỉ ngơi bù nước giữa giờ làm.  Không cho trẻ em hay người già, người mắc các bệnh mạn tính tắm biển dưới trời nắng nóng quá 1 tiếng.

Trang bị cá nhân đầy đủ trước khi đi ra ngoài

 

Nếu bạn phải đi ra ngoài trong thời tiết nóng, hãy chuẩn bị cho mình một chiếc áo cotton dài tay, nó không chỉ bảo vệ làn da của bạn mà còn giúp hấp thụ mồ hôi của cơ thể trong khi vẫn giữ cơ thể bạn được mát mẻ. Chất liệu cotton là sự lựa chọn tốt nhất. Nên mặc quần áo sáng màu sẽ làm cơ thể hấp thụ nhiệt ít nhất.

Điều quan trọng thứ 2  là cần mang theo đủ nước trước khi ra ngoài trời trong thời tiết nắng nóng bởi nắng nóng sẽ làm cơ thể con người nhanh mất nước, cần phải bù nước kịp thời. Nước vừa có tác dụng bù nước vừa giảm nhiệt cho cơ thể. Khi di chuyển trên sa mạc, con người dễ bị tử vong không phải vì nóng mà vì mất nước.

Ngoài ra, bạn cũng có thể mang theo kem chống nắng. Ở những quốc gia nắng nóng quanh năm, người ta trang bị cả bình xịt nước để đi ra ngoài trời. Họ có thể phun nước trực tiếp lên cơ thể để làm mát cơ thể.  Cách này còn giúp da dẻ mịn màng, đỡ bị lão hóa. Lý do là các tế bào trên da có thể bị khô do nắng nóng, làm da mất cân bằng thẩm thấu, từ đó dẫn đến khô da và nhăn da nhanh hơn.

Bên cạnh việc cung cấp nước, bạn đừng quên bổ sung dinh dưỡng hợp lý bằng các thực phẩm giàu protein, carb để có sức chống chọi với nắng nóng.

Nghỉ ngơi nhiều hơn

 

Cần nhớ rằng cơ thể con người có ngưỡng chịu đựng nhiệt độ nhất định. Vào những ngày nắng nóng, tăng cường nghỉ ngơi thường xuyên hơn. Không di chuyển dưới trời nắng liên tục trong thời gian dài, hãy tìm nơi có bóng râm để nghỉ. Hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là tia UV có hại cho da và mắt.

 

Nhận biết triệu chứng của sốc nhiệt

Sốc nhiệt hay say nắng thường có triệu chứng như đau nửa đầu, khó thở, buồn nôn hoặc nôn, nóng bừng mặt. Những triệu chứng sốc nhiệt nguy hiểm có thể xuất hiện như sốt cao, chóng mặt, ngất xỉu, nặng sẽ dẫn đến các rối loạn hệ thần kinh như mê sảng , rối loạn hô hấp như thở nhanh, rối loạn tim mạch, nếu vấn đề trở nên nghiêm trọng hãy gọi bác sĩ.  Nắng nóng dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt, mất nước do tiết nhiều mồ hôi, làm giảm khối lượng tuần hoàn máu dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Xử trí khi bị sốc nhiệt

 

Khi cảm thấy cơ thể nóng bừng, hoa mắt, váng đầu, đó có thể là dấu hiệu ban đầu của kiệt sức do sốc nhiệt. Nếu bạn đang ở ngoài trời hãy tìm ngay một nơi râm mát để ngồi nghỉ hoặc vào những tòa nhà có điều hòa, nới lỏng quần áo . Khi bạn hoặc một người nào đó có dấu hiệu sốc nhiệt như trên, bạn cần tìm nước  sau đó đổ lên đầu, vẩy nước lên người nạn nhân hoặc lấy khăn thấm nước phủ lên  người. Người bị sốc nhiệt có thể da khô nhưng cũng có thể đổ mồ hôi đầm đìa, những trường hợp này đều là biểu hiện muộn của sốc nhiệt. Nếu cơ thể nóng bừng và không thể đổ mồ hôi, lúc đó có thể bạn đang bị mất nước,  cần làm mát cơ thể bằng nước uống hoặc trực tiếp đổ nước lên người.

Người già và trẻ nhỏ là những đối tượng thích nghi kém với môi trường, vào những ngày nắng nóng không nên đi ra ngoài trời.

Nguyễn Mai Hoàng

((theo Wikihow))

Theo dõi trẻ bị tay - chân

Đinh Thị Tuyết Mai (tuyetmai@gmail.com)

Bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm nhưng cao điểm vào các tháng nóng và mưa nhiều. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Giai đoạn ủ bệnh tay - chân - miệng từ 3-7 ngày. Tiếp đến là giai đoạn khởi phát diễn ra từ 1 - 2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Sau đó đến giai đoạn toàn phát (có thể kéo dài 3-10 ngày) với các triệu chứng điển hình của bệnh: Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt; Phát ban dạng phỏng nước: ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm. Ngoài ra trẻ vẫn có sốt nhẹ, nôn. Còn những trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh; Giai đoạn lui bệnh: thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng. Tuy nhiên, cũng có những trẻ mắc bệnh nhưng không có những dấu hiệu điển hình như trên. Để phòng bệnh tay - chân - miệng, người chăm sóc trẻ cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Đồ chơi, vật dụng trẻ hay cầm nắm cần được thường xuyên rửa sạch với xà phòng, phơi khô. Lau sàn nhà mỗi ngày bằng dung dịch khử khuẩn. Khi nghi ngờ trẻ bị bệnh cần đưa đi khám. Trong trường hợp được chỉ định theo dõi tại nhà, cần tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh. Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.

BS. Vũ Ngọc Anh

Paget xương là bệnh gì?

(Vương Trọng Luật - An Giang)

Paget xương còn được gọi là viêm xương biến dạng, một trong những căn bệnh về xương khớp, thường gặp ở nam giới từ tuổi trung niên trở lên. Đây là một dạng rối loạn giữa việc duy trì và phục hồi xương, dẫn đến hình thành nên một tổ chức xương mới có cấu trúc bất thường. Như chúng ta đã biết, ở điều kiện sinh lý bình thường, ở những người khỏe mạnh, xương liên tục bị phân hủy và tái tạo xương mới để duy trì cấu trúc xương. Nhưng trong vài trường hợp, quá trình phân hủy xương cũ và thay thế xương mới bị rối loạn, tốc độ xương mới hình thành để thay thế lại chậm hơn so với tốc độ hủy xương. Điều này khiến cho cấu trúc khung xương trở nên bất thường, mỏng manh và dễ gãy xương hơn; tình trạng này gọi là Paget xương.

Nguyên nhân gây bệnh Paget xương cho tới nay các nhà khoa học vẫn chưa được xác định chính xác, nhưng nhiều nhà nghiên cứu khoa học cho rằng việc các tế bào xương bị nhiễm virút trong một thời gian trước khi xuất hiện những triệu chứng lâm sàng có liên quan đến tình trạng viêm xương biến dạng này; bên cạnh đó, yếu tố di truyền cũng được xem là mang đến khả năng mắc bệnh cao vì có liên quan đến gen; vấn đề về tuổi tác, giới tính cũng được cho là có thể gây bệnh paget xương. Nam giới từ 40 tuổi trở lên thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới.

Bệnh Paget xương thường không có những triệu chứng rõ ràng, một số ít người có thể sẽ gặp phải các triệu chứng đau trong xương khớp và biến dạng xương tùy theo vị trí xương bị ảnh hưởng, như với xương sọ thì nhức đầu, mất thính giác, sọ có chiều hướng to ra với hàm dưới nhô ra phía trước; với cột sống thường rối loạn chuyển hóa xương chậu có thể khiến các rễ thần kinh bị chèn ép gây đau và tê rần ở cánh tay hoặc cẳng chân, cột sống có thể bị biến dạng có thể làm lưng bị gù; với xương chậu thì paget xương này thường gây đau hông, khung chậu giãn rộng; với chân như xương chày, xương đùi thì yếu nên có thể bị cong vẹo, ảnh hưởng gây đau khớp, viêm khớp ở hông hay đầu gối. Ngoài ra, người bệnh thường đau nhiều vào ban đêm và đau khớp gần xương bị paget xương, sau một chấn thương nhỏ cũng có thể làm gãy xương.

Trường hợp bệnh nhân không có những triệu chứng lâm sàng hoặc biến chứng mà chỉ phát hiện trên X-quang thì được theo dõi định kỳ mà không cần phải điều trị. Tuy nhiên, nếu người bệnh đau nhiều và khi xét nghiệm thấy mức phosphatase kiềm trong máu cao, bệnh tiến triển nhanh và gây ảnh hưởng lớn đến cơ thể thì được điều trị để ngăn ngừa biến chứng... Tùy theo tình trạng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng và cách sử dụng phù hợp.

BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG

Mách bạn cách đơn giản phòng tránh nguy cơ ngất xỉu do nắng nóng

Uống đủ nước Mất nước là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới ngất. Vì vậy, bạn hãy đảm bảo cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể...